• Wellcome to CÔNG TY TNHH SAPPHIRE AGRUCILTURE

Trồng cà chua bằng smartphone, ngồi trên đỉnh núi bán rau sang Mỹ

2/17/2021 7:01:15 PM 1859

Trồng cà chua bằng smartphone, ngồi trên đỉnh núi bán rau sang Mỹ

Trên những cánh đồng rau xanh tốt ứng dụng công nghệ số, người nông dân chỉ cần smartphone là có thể làm những công việc nặng nhọc và mất nhiều thời gian bằng cú “gẩy tay” rất nhẹ nhàng, thậm chí dễ dàng bán nông sản ra “chợ toàn cầu”.

Việc ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm... đã giúp nhiều nông dân thu tiền tỷ, tránh cảnh “được mùa mất giá”.

Trồng rau bằng smartphone

“Mọi người thường nghĩ, làm nông là cắm mặt trong vườn từ sáng đến tối để chăm sóc cây trái, nhưng đó là chuyện của ngày xưa”, đó là lời khẳng định của anh Nguyễn Đức Huy - chủ trang trại trồng các loại cà chua, rau thủy canh ứng dụng công nghệ số ở Đà Lạt.

Anh Huy cho biết, với chiếc smartphone có kết nối Internet, anh ngồi bất kỳ đâu cũng có thể kiểm tra sự phát triển của vườn cà chua và các loại rau thủy canh của mình. Sau khi các thiết bị cảm ứng đã phân tích toàn bộ điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu cần chăm sóc của cây, anh chỉ cần mở điện thoại và ấn nút “duyệt” là tất cả hệ thống tự động sẽ chăm sóc cây theo lập trình máy đã định sẵn. Nhờ đó, trang trại chỉ cần một lượng lao động vừa đủ để giám sát hoạt động của hệ thống máy móc. 

Nhớ lại năm 2013, sau khi cầm trong tay tấm bằng Thạc sĩ Sinh học, anh quyết định về quê hương Đà Lạt để làm vườn nhà kính trồng rau ăn quả gồm cà chua beef và cà chua picota. Thời kỳ ấy, suốt ngày anh phải xắn tay áo, mang ủng chân lặn lội trên nền đất nhà kính, tích cực phủ kín tấm bạt, dồn giá thể vào bịch ni lông, xuống giống trồng cây cà chua… Song, kết thúc vụ sản xuất đầu tiên, lợi nhuận thu được từ giống cà chua picota chỉ vừa đủ bù đắp cho tiền mua giống vì năng suất kém.

Trồng cà chua bằng smartphone, ngồi trên đỉnh núi bán rau sang Mỹ
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân có thể dùng smartphone để chăm rau

Sau lần thất bại do sản xuất phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên, anh Huy quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, có công cụ đọc - hiểu diễn biến sinh thái trên vườn, cũng như khuyến cáo chủ nhân chọn các “lệnh” xử lý chuẩn xác nhất. Theo đó, bất kể ở tọa độ không gian nào, chỉ cần Internet, anh có thể ngồi một mình với chiếc smartphone chăm sóc đầy đủ quy trình tưới nước, bón phân, điều hòa nhiệt độ cho từng khu vườn rau ở những vị trí địa lý khác nhau; hay điều hành trực tuyến cho công nhân gieo trồng, thu hoạch...

Thành quả nhận được là mấy năm nay, không chỉ năng suất rau ăn quả tăng vọt mà toàn bộ sản phẩm của anh Huy đều được bao tiêu theo hợp đồng trên diện tích vườn nhà kính hiện đang canh tác bởi smartphone.

Cũng giống như anh Huy, hai năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Phúc - nông dân Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông (Đơn Dương, Lâm Đồng) không phải còng lưng gánh nước tưới cây, bón phân mà chỉ việc kiểm tra và cập nhật số liệu vào chiếc smartphone.

Chỉ vào chiếc điện thoại thông minh, ông Phúc nói đây là nơi nắm giữ số phận của nhiều nông dân. Các số liệu chăm sóc cây hàng ngày từ nước, phân bón, thời tiết cho đến tình hình sức khỏe cây trồng, dự báo thu hoạch... được cập nhật và chuyển về trung tâm kiểm soát. Có bất cứ vấn đề gì, số liệu sẽ cảnh báo để các kỹ sư tư vấn, điều chỉnh, các kế hoạch thu mua cũng được báo trước để nông dân chủ động.

Ông Phúc tiết lộ, trang trại của gia đình ông có doanh thu mỗi năm từ 1,6 - 2 tỷ đồng, sau khi trừ vốn và chi phí, thu về khoảng 800 triệu đồng trên diện tích 1,5ha. “Từ chỗ làm tự do, bấp bênh đầu ra, liên tục bị ép giá, canh tác không theo tiêu chuẩn, đến nay, nhờ làm chuỗi, tuân thủ quy chuẩn nên trang trại đã được bao tiêu đầu ra và gần đây được ứng dụng công nghệ số... Cũng từ mảnh đất này mà nông dân đổi đời”, ông Phúc nói.

Thành công khi khởi nghiệp nông nghiệp trên quy mô lớn, anh Nguyễn Đông Hải - chủ trang trại rau ở Đà Lạt chia sẻ, hiện cây trồng không phụ thuộc vào đất mà được nuôi sống trên giá thể, kiểm soát mầm bệnh từ đầu, khi gieo hạt đồng thời cũng được cài luôn con chip kiểm soát độ ẩm và dinh dưỡng nhằm theo sõi sức khoẻ cây trồng... đồng bộ dữ liệu với hệ thống tưới. Bất cứ khi nào cây trồng cần nước hay dưỡng chất, con chíp sẽ báo và được bổ sung dưỡng chất thông qua hệ thống tưới tự động không cần con người can thiệp.

Trồng cà chua bằng smartphone, ngồi trên đỉnh núi bán rau sang Mỹ
Trên "cánh đồng số", mọi công đoạn đều được tự động hóa

Các số liệu hoạt động này được cập nhật lên máy tính, điện thoại của anh Hải nên dù đi đâu anh cũng kiểm soát được sự phát triển của cây trồng. Hơn thế, số liệu này còn được cập nhật lên hệ thống kiểm soát chất lượng QR Code để khi ra thị trường vẫn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện 100% sản phẩm từ trang trại của anh Hải đều là hàng cao cấp được các chuỗi lớn bao tiêu. Đặc biệt, trang trại đã có giấy phép xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ,... và cung ứng lượng lớn rau quả vào hệ thống siêu thị trong nước. Doanh thu từ trang trại mỗi năm đạt tới 60 tỷ đồng.

Livestream đưa nông sản lên sàn

Không chỉ đưa công nghệ số vào sản xuất, người nông dân đang ngày càng tiếp cận được nhiều kênh bán hàng hiện đại như sàn thương mại điện tử. Đây là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp bà con tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn trong mùa dịch.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối 4G, Internet, người nông dân có thể đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng dù ở trong nhà hay ngoài vườn. Sàn thương mại điện tử là một kênh bán hàng hiệu quả mà người nông dân có thể tận dụng.

Báo cáo mới đây do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố cho thấy: “Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Trồng cà chua bằng smartphone, ngồi trên đỉnh núi bán rau sang Mỹ
Người nông dân không còn phải làm những công việc nặng nhọc khi đưa công nghệ vào sản xuất

Giữa mùa dịch, bà Trương Thị Tâm, một người bán hàng địa phương lần đầu tiên làm “chuyện xưa nay hiếm” - livestream bán hàng. Tận dụng những nền tảng công nghệ như tính năng livestream, kết quả kinh doanh của bà Tâm tăng mạnh, lượt theo dõi tăng 70 lần, đơn hàng tăng 15 lần, doanh thu tăng 14 lần...

Thành công lớn nhất phải kể tới sự kiện “Ngày của Làng dừa Bến Tre online”, hơn 10.000 người theo dõi livestream bán hàng trong 1 giờ đồng hồ trên mạng xã hội, gần 2.000 sản phẩm được bán ra nhanh chóng chỉ trong 1 ngày duy nhất lên sàn thương mại điện tử.

Dự án của Sàn thương mại điện tử  Vỏ Sò (Voso) kết hợp với nông dân của Hợp tác xã 3T cam Cao Phong (Hòa Bình) bán sản phẩm cam Cao Phong chính gốc đã ghi nhận nhiều tích cực. Kết quả, mỗi tháng hợp tác xã này tiêu thụ được hơn 800kg cam qua sàn Vỏ Sò. Giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng được nâng cao khi nông dân được hướng dẫn đóng gói bài bản sản phẩm vào các hộp quà để biếu, tặng...

Nhiều địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, An Giang,... cũng ấp ủ những kế hoạch riêng để đưa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc sản vùng miền với giá tốt.

Gần đây, nông sản Việt đánh dấu bước chuyển mình khi nhiều doanh nghiệp triển khai các sàn thương mại điện tử chuyên về lĩnh vực này như Voso của ViettelPost hay Postmart của VietnamPost. Hai sàn của hai doanh nghiệp chuyển phát đang tận dụng lợi thế hạ tầng và mạng lưới của mình đồng hành cùng bà con nông dân trong hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, tạo một kênh bán hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp, nhằm nâng cao giá trị hàng Việt vươn ra thế giới trong cuộc chơi lớn.

Chuyển đổi số: Tương lai nông nghiệp Việt

Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị được các chuyên gia trong ngành nhận định là “căn bệnh trầm kha” của nền nông nghiệp Việt Nam. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp phá sản và đối mặt với khó khăn. Lúc này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được kỳ vọng là “thang thuốc” hiệu quả cho nông nghiệp Việt. Chuyển đổi số không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Với mong muốn góp phần thay đổi ngành Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long trước đó từng khẳng định, đưa công nghệ vào nông nghiệp là trách nhiệm với đất nước. Ý thức trách nhiệm to lớn đó, VNPT đang tiên phong trong việc đầu tư tập trung vào nghiên cứu các giải pháp nông nghiệp thông minh. Chính yếu tố công nghệ sẽ thúc đẩy năng suất và hiệu quả của các sản phẩm nông nghiệp. 

Trồng cà chua bằng smartphone, ngồi trên đỉnh núi bán rau sang Mỹ
Chuyển đổi số giúp năng suất cây trồng tăng cao, tạo ra những chuỗi liên kết bền vững

Mục tiêu của VNPT chính là làm sao thay đổi ngành Nông nghiệp Việt Nam và hỗ trợ cho người nông dân có được cuộc sống tốt hơn, làm sao người dân Việt Nam được dùng các sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe và giống nòi.

Tại hội nghị về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

Đơn cử, trong trồng trọt, công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lơn (Big Data) bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực... Công nghệ IoT, chuỗi khối (Blockchain), công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Hay như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi... giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản.

Ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) khẳng định, mục tiêu của Bộ trong thời gian tới là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xác định đây là giải pháp đột phá để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, tập trung nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ 4.0, thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao sử dụng các nền tảng 4.0.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nêu 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có ngành nông nghiệp. 

Thống kê mới nhất của Voso cho thấy, 10 tháng của năm 2020, sàn thương mại điện tử này đã liên kết tiêu thụ hơn 300.000 sản phẩm nông sản, tổng giá trị đơn hàng khoảng 90 tỷ đồng. Còn Postmart đã có hơn 1.000 nhà cung cấp các sản phẩm nông sản trải dài trên 63 tỉnh thành phố với hơn 15.000 sản phẩm đặc sản.

Tâm An - Duy Anh

( Báo VietNamNet )


🌴🌴🌴CÔNG TY TNHH SAPPHIRE AGRICULTURE🌴🌴🌴
👉👉Chuyên Cung Cấp giá thể mụn dừa đã xử lý, mụn dừa ép block, mụn dừa EC thấp chất lượng cao.
👉👉Trụ Sở: Tân Phước Khánh, Tx Tân Uyên, Bình Dương.
👉👉Kho Hàng: 1314 Lê Hồng Phong, Phú Thọ, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
👉👉ĐT: 0938272225 (Quang Mỹ)

CONTACT

0938272225

sales@sapphireagriculture.vn

https://www.facebook.com/Giaiphapnongnghiep4.0/

Our factories located in Vietnam, India, Srilanka & Thailand